Việt Nam là quốc gia ven biển, có bờ biển dài trên 3.260 km trải dài từ Bắc xuống Nam, với gần 3000 hòn đảo lớn nhỏ và 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước thì 28 tỉnh, thành phố có biển và gần một nửa dân số sinh sống tại các tỉnh, thành ven biển. Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, biển đảo luôn gắn với quá trình xây dựng và phát triển của đất nước và con người Việt Nam, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng.
Theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, nước ta có diện tích biển khoảng trên 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền, chiếm gần 30% diện tích Biển Đông (cả Biển Đông gần 3,5 triệu km2). Với vị trí đặc biệt quan trọng như một tuyến phòng thủ tiền tiêu để bảo vệ sườn phía Đông của đất nước. Một số đảo ven bờ còn có vị trí quan trọng được sử dụng làm các điểm mốc quốc gia trên biển để thiết lập đường cơ sở ven bờ lục địa Việt Nam, từ đó xác định vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, làm cơ sở pháp lý để bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển.
Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến những kiến thức và các văn bản pháp luật về biển đảo của Nhà nước ta và luật biển quốc tế, những cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với các quần đảo trên biển đông; những văn bản pháp lý về biển, đảo Việt Nam đã ký kết với các nước láng giềng, các nước có liên quan; tuyên truyền giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức đấu tranh bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển, đảo, giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển giữa các quốc gia có biển, đã góp phần làm cho nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu rõ về vị trí chiến lược của biển, đảo từng bước được nâng cao.
Từ năm 2009 đến nay, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (từ ngày 01 - 08/6) gắn với kỷ niệm Ngày Đại dương thế giới (08/6) là sự kiện thường niên, đã trở thành hoạt động cụ thể và được quy định trong Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015, qua đó nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của biển, hải đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như tôn vinh những giá trị của đại dương đối với sự sống của nhân loại, tính cấp thiết của bảo vệ đại dương.
Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2022 (từ ngày 01 đến ngày 08 tháng 6) là “Phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển”. Đây là một trong những mục tiêu đặt ra nhằm rà soát những vấn đề tồn tại trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của BCH Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và tình hình thực tiễn.
Theo đó, ngày Đại dương thế giới (ngày 08/6 hằng năm) do Liên Hợp quốc thông qua thể hiện sự đoàn kết, kết nối tất cả mọi người trên toàn thế giới với mục tiêu bảo tồn nguồn tài nguyên biển và đại dương. Chủ đề của Ngày Đại dương Thế giới năm 2022 “Hồi sinh: cùng hành động vì đại dương” thể hiện tầm quan trọng của các hoạt động phối hợp giữa các quốc gia và tổ chức giúp hồi sinh đại dương, phục hồi các hệ sinh thái biển bị suy thoái, bảo tồn tài nguyên và môi trường biển với mục tiêu phát triển bền vững.
Thiết thực hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam Ngày Đại dương thế giới năm 2022. Đảng bộ trường TH Đinh Tiên Hoàng phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực tự cường, cùng với nhân dân cả nước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế biển để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra: “…kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”.